vi Tiếng Việt

Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, đồng thời phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa bản địa kết nối với sản phẩm cà phê đang là mục tiêu mà TP. Buôn Ma Thuột cũng như tỉnh Đắk Lắk hướng tới. Song song với xây dựng thương hiệu cho thành phố, việc kiến tạo bản sắc riêng cho ngành du lịch của nơi được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam” hay “Trung tâm vùng Tây Nguyên” đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng du lịch dồi dào, thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột đã nỗ lực để trở thành điểm đến thu hút du khách. Tuy nhiên, đến nay ngành du lịch địa phương vẫn đang “loay hoay” trong việc tạo dựng thương hiệu và định hình bản sắc.

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột

Dồi dào tiềm năng

Được ví như “trái tim” của vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lại là một trong những cảng hàng không lớn, hiện đại, là đầu mối giao thông quan trọng – cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước, trong tương lai sẽ kết nối với các sân bay quốc tế… Với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở “trung tâm” vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động liên kết các địa phương trong vùng, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch và đảm bảo an ninh – quốc phòng của toàn vùng Tây Nguyên. Sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông của Đắk Lắk với vai trò đầu mối giao thông toàn vùng làm cho vai trò “trung tâm du lịch” vùng Tây Nguyên của TP. Buôn Ma Thuột ngày càng rõ nét và được khẳng định trong thực tế.

Đây cũng là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động, dệt thổ cẩm, tạc tượng…, Buôn Ma Thuột còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước… Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức hai năm một lần.

“Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến TP. Buôn Ma Thuột còn khá “lúng túng”, cho dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá hình ảnh thông qua việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ hai năm một lần ở tầm quốc gia. Thương hiệu điểm đến du lịch của TP. Buôn Ma Thuột sẽ phải được xây dựng từ thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch cụ thể dựa trên các giá trị tài nguyên du lịch cà phê và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù” – PGS.TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia.

Ngoài những tiềm năng, thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nói trên, Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, có khả năng đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ và những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của các vườn quốc gia ở xung quanh…

Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Đắk Lắk có những tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo, với những ngọn thác hùng vĩ, như: Dray Nur (huyện Krông Ana), Krông Kmar (huyện Krông Bông), Thủy Tiên (huyện Krông Năng)… cùng nhiều hồ lớn thơ mộng, tiêu biểu là: hồ Lắk (huyện Lắk), hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Đăk Minh (huyện Buôn Đôn), Ea Nhái (huyện Krông Pắc) và các khu rừng nguyên sinh có hệ sinh học đa dạng, như: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 41 di tích được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, nhiều di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ…

Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 33 khách sạn được công nhận hạng 1 – 5 sao, 55 khách sạn chưa xếp hạng, 137 nhà nghỉ, nhà khách); có 27 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (trong đó 12 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế); 26 khu, điểm tham quan du lịch; 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch.

Đặc biệt, Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của Việt Nam, diện tích và sản lượng chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Toàn tỉnh đang có khoảng 200 nghìn ha cà phê, sản lượng đạt 476 nghìn tấn, trong đó gần một nửa để xuất khẩu.

“Đến nay, cà phê Buôn Ma Thuột đã đạt được các tiêu chuẩn nông sản sạch và xuất được sang các thị trường khó tính nhất. Thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và trở thành một thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Việt Nam cũng là quốc gia thuộc nhóm xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Nhìn về phía trước, đấy là những thắng lợi bước đầu, tạo cơ sở cho những bước đi tiếp theo”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định.

Thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và trở thành một thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Trong ảnh: Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm mô hình chuỗi giá trị cà phê của Công ty TNHH Minudo Farm – Care (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Mới chỉ là “khởi điểm”

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch… về phát triển du lịch nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, từng bước đưa ngành kinh tế này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh nhà thời gian qua cũng cho thấy nhiều tồn tại, trong đó có việc chưa tăng cường liên kết và hợp tác phát triển với các tỉnh, thiếu sự quan tâm trong ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Công tác triển khai lập quy hoạch chi tiết một số khu du lịch, điểm du lịch chưa kịp thời; chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguồn ngân sách nhà nước bố trí đầu tư phát triển du lịch còn thấp so với quy định tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Hạ tầng giao thông đến các tuyến, điểm du lịch chậm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Đặc biệt, du lịch văn hóa, với lợi thế là vùng đất có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều nét văn hóa đặc sắc nhưng chưa quan tâm kết hợp bảo tồn với phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng…

PGS.TS. KTS. Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, trên bản đồ du lịch Việt Nam, vùng Tây Nguyên hiện là điểm đến có số lượng khách ít nhất cả nước.

Do đó, ngành du lịch Tây Nguyên nói chung và du lịch Đắk Lắk nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và định hình các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa Tây Nguyên, trong đó có du lịch sinh thái.

Trong thời gian qua, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nói chung và du lịch cà phê nói riêng đã ít nhiều nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cả du khách, nhưng mức độ phát triển của loại hình du lịch này mới chỉ dừng lại ở cấp độ “khởi điểm”. TP. Buôn Ma Thuột chưa mang bản sắc của thành phố cà phê, sản phẩm và các vùng sản xuất cà phê chưa được kết nối xuyên suốt với các dịch vụ du lịch, phát triển văn hóa và đô thị.

Những thực tế trên có thể tựu chung lại rằng, dù đã có nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng sẵn có, nhưng ngành du lịch của Đắk Lắk vẫn còn “thiếu bản sắc, khuyết thương hiệu”. Vấn đề này đặt ra cho các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành du lịch một nhiệm vụ cần thiết phải làm và phải làm sớm đó là nhanh chóng xây dựng thương hiệu, định hình bản sắc cho điểm đến Buôn Ma Thuột.

Khả Lê (Báo Đắk Lắk)