vi Tiếng Việt

Với phương thức sản xuất khác biệt và mang lại hiệu quả cao, sản phẩm cà phê của trang trại Aeroco tại thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2020” với 3 giải thưởng giá trị: sản phẩm cà phê “Arabica được yêu thích nhất”, “Robusta được yêu thích nhất” và giải Nhất “sản phẩm cà phê Arabica”. Hiện sản phẩm cà phê thành phẩm của trang trại đã được một số quốc gia đặt hàng.

Anh Lê Đình Tư, chủ trang trại chia sẻ, thiết kế đa dạng sinh học trong vườn cà phê chính là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao, hiện đã được nhiều nông hộ trong và ngoài tỉnh nhân rộng.

Theo đó, vườn cây được thiết kế theo 4 tầng bậc: Tầng trên cùng là cây bình linh che bóng với tán nhỏ, lá thưa đủ cho ánh sáng xuyên qua các tầng dưới để quang hợp, gỗ bình linh thuộc nhóm III, có độ bền và đàn hồi cao để sản xuất đồ nội thất, thân cây bình linh làm trụ sống trồng tiêu. Tầng thứ hai là các loại cây ăn quả trồng xen, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên để lấy ngắn nuôi dài. Tầng thứ ba là cây trồng chính cà phê với loại giống cho năng suất cao, chất lượng, mật độ thưa hơn bình thường, có thể thu hoạch từ 8 – 10 tấn cà phê tươi/ha. Tầng cuối cùng là thảm thực vật (cỏ và lá khô, mục) đủ che phủ đất để tạo độ tơi xốp cho hệ thống rễ cà phê hấp thu dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi và bốc hơi nước vào mùa khô, cung cấp nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho các loại cây trong vườn.

Vườn sản xuất cà phê nằm trong trang trại khép kín còn tận dụng được nguồn nước thải từ khâu sơ chế cà phê, qua xử lý rồi cung cấp dinh dưỡng lại cho các loại cây trồng. Thiết kế đa dạng sinh học giúp vườn cà phê mang lại tổng thu nhập cao hơn nhiều lần so với sản xuất cà phê thông thường hiện nay.

Như hộ ông Phạm Văn Đồng – là một trong những hộ liên kết sản xuất với trang trại cà phê Aeroco hiện có tổng doanh thu hơn 260 triệu đồng mỗi năm trên vườn cà phê diện tích 1,3 ha, trừ các chi phí thì lãi thuần được hơn 140 triệu đồng/ha.

Chủ trang trại Aeroco Lê Đình Tư (bên trái) giới thiệu với khách tham quan về phương thức sản xuất cà phê.

Để có những sản phẩm cà phê đặc trưng, chất lượng cao, ngoài công đoạn sản xuất trên vườn theo phương thức nói trên, trang trại Aeroco còn triển khai các khâu như: thu hoạch với tỷ lệ chín cao; lựa chọn, sơ chế, phơi khô với thời gian nghiêm ngặt cho từng loại sản phẩm cà phê mà các đơn vị đặt hàng đưa ra; chế biến, phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm. Kể cả khâu marketing để kết nối khách hàng trên cơ sở nghiên cứu thị trường và lên chiến lược, kế hoạch cung cấp sản phẩm… là một chuỗi hoạt động mà mỗi khâu trong chuỗi đều phải đầu tư thích đáng. Trong tình hình dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, trang trại Aeroco còn chú trọng đầu tư nghiên cứu tạo những sản phẩm cà phê đặc trưng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước song song với hoạt động nghiên cứu kết nối thị trường ở các nước khó tính.

Được biết, ngoài diện tích cà phê (7,5 ha) mà trang trại Aeroco liên kết đã được cấp Chứng nhận Rainforest Alliance tại TP. Buôn Ma Thuột nhiều năm nay, đơn vị cũng đang liên kết sản xuất 10 ha cà phê với một số hộ dân tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng. Tất cả những sản phẩm cà phê liên kết với nông dân sẽ được bao tiêu với giá cà phê tươi cao gấp nhiều lần so với giá thị trường (14.000 đồng/kg cà phê tươi). Ngoài ra, đơn vị còn liên kết sản xuất cà phê Arabica dưới tán rừng với một số bà con người dân tộc tại thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), nơi có độ cao 1.200 m so với mực nước biển với kỳ vọng tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, bao tiêu cà phê tươi với giá 23.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cho bà con nông dân nơi đây từ 150 – 200 triệu đồng/ha.

Cẩm Lai (theo Báo Đắk Lắk)